Trong doanh nghiệp có nhiều thuật ngữ mà không phải ai cũng hiểu hết. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa Director và Manager, đôi khi chúng được dịch tương tự như nhau nhưng thực chất như thế nào thì hãy cùng khám phá những điều thú vị sau.
Sự khác biệt giữa Director và Manager
1. Khái niệm định nghĩa
Director
Được hiểu là Giám đốc, có vai trò quan trọng trong bộ máy tổ chức. Họ điều hành, giám sát đội ngũ nhân viên và các hoạt động trong doanh nghiệp. Vị trí này được các cổ đông lựa chọn để theo dõi, điều chỉnh các hoạt động của đơn vị. Phụ thuộc vào chức năng cụ thể mà sẽ có những Director khác nhau ví dụ như Sales director, Design director, Marketing director,....
Manager
Manager đôi khi cũng được dịch là giám đốc, nhưng thực chất đó là quản lý hay trưởng phòng, đứng đầu bộ phận cụ thể của tổ chức, quản lý công việc, nhân viên, chịu trách nhiệm về hiệu suất của nó.
>>> Xem thêm: Chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Director
2. Cấp độ quản lý
Director
Họ là người theo dõi, điều chỉnh các hoạt động của công ty, theo mục tiêu và định hướng của doanh nghiệp. Director thuộc quản lý cấp cao, cung cấp sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quyết định chính sách, chịu trách nhiệm cho sự quản trị trước HĐQT.
Manager
Quản lý, phụ trách đơn vị, bộ phận cụ thể của tổ chức, đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu suất của nó. Họ thuộc quản lý cấp trung, lãnh đạo cấp dưới, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho nhân viên trong nhóm.
=> Nhìn từ góc độ kỹ thuật thì có thể phân biệt đơn giản như sau: Manager quản lý mọi người, trong khi Director quản lý Manager, phạm vi trách nhiệm của Director lớn hơn Manager, vì thế một giám đốc quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp, còn quản lý sẽ làm việc theo lệnh của giám đốc.
3. Chức năng cơ bản
Director
Chức năng cơ bản của Director là xây dựng kế hoạch, chính sách, họ là người chủ chốt của tổ chức, đưa ra các đề xuất, phương án cải cách, kế hoạch, chính sách, chương trình, thủ tục,... để đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Director được bổ nhiệm bởi các cổ đông, người này có quyền lực và trách nhiệm đúng như điều luật và các điều khoản của công ty. Họ được coi là đại diện của tổ chức, chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, Director có thể thay thế công ty ký kết hợp đồng với bên thứ 3.
>>> Xem thêm: Điểm khác biệt giữa Tổng giám đốc và Giám đốc
Manager
Là người thực hiện kế hoạch và chính sách, làm theo cách hướng dẫn của Director và giám sát cấp dưới của mình, quản lý, thúc đẩy họ hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng mục tiêu chung đề ra. Manager chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát tổ chức, đáp ứng những tiêu chuẩn của tổ chức.
4. Tầm nhìn
Director
Yêu cầu quan trọng của một người lãnh đạo chính là tầm nhìn - Sự hiểu biết về một vấn đề, hoạt động kinh doanh mà bạn muốn hướng đến với vai trò là công ty hay tổ chức. Giám đốc sẽ là người đưa ra tầm nhìn, các ý tưởng và cách họ đạt được nó. Sau đó chỉ đạo cho các Manager thực hiện kế hoạch dựa trên lộ trình đã đưa ra.
Manager
Manager sẽ thực hiện công việc hướng tới mục tiêu và tầm nhìn do Director đặt ra, điều họ cần làm là tập hợp đội ngũ nhân viên cấp dưới và phối hợp với mọi người hoàn thiện kế hoạch được trao từ Giám đốc.
=> Vai trò của Director thách thức hơn nhiều vì là người đưa ra kế hoạch ngay từ đầu. Người quản lý tuân theo kế hoạch nhưng họ không bắt buộc phải chịu trách nhiệm về chúng, trong khi đó Director phải chứng minh cho quá trình hành động với cấp lãnh đạo, đối tác, các bên liên quan.
5. Quy trình làm việc
Director
Giám đốc là thành viên được bầu và bổ nhiệm bởi tổ chức, có chức năng chính là ‘chăm sóc’ các hoạt động của doanh nghiệp. Ban giám đốc lập ra các khung kế hoạch, chính sách, tạo chiến lược và đặt mục tiêu thì Director sẽ là người quyết định đến việc thành công hay thất bại của các đề xuất đó.
Các Giám đốc chiếm vị trí hàng đầu trong hệ thống phân cấp công ty. Họ có thể ký kết hợp đồng thay mặt công ty với bên thứ ba và do đó ràng buộc công ty, thường giám sát hiệu quả và hiệu suất công việc, tìm những lỗ hổng, thiếu sót, điểm thất bại và giải quyết chúng.
Manager
Người quản lý là người thực hiện quản lý bao gồm việc sử dụng tối ưu các nguồn lực như nhân sự, máy móc, thiết bị,... để đạt mục tiêu chung của công ty. Họ giám sát một bộ phận, nhóm người nhất định, làm công việc cụ thể như: Tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới, đánh giá các hoạt động trong ngày của tổ chức, lập kế hoạch và tổ chức các nhiệm vụ, tiếp nhận chiến lược, kế hoạch của cấp trên và truyền đạt, giao phó cụ thể cho mỗi thành viên thực hiện, kiểm soát ngân sách, báo cáo với ban giám đốc.
Manager có trách nhiệm báo cáo cho Director, trong khi đó Director sẽ báo cáo cho các bên liên quan của công ty.
Comments